x
THÀNH VIÊN
Facebook login Google login
x
ĐĂNG KÝ
Facebook login Google login
Hủy
x
Quên mật khẩu
Hủy
x
DU LỊCH VIỆT TRẦN

NHẬN NGAY VOUCHER GIẢM GIÁ LÊN ĐẾN 500K

Áp dụng cho tất cả các tour nước ngoài

DU LỊCH VIỆT TRẦN

Từ Trần Đề đến Đất Mũi Cà Mau

  • Thứ hai, 04:31 07/12/2020 .
  • Đạp xe đi về Phương Nam là hành trình vô cùng lý thú vừa rèn luyện sức khỏe vừa được thưởng thức cảnh quan thiên nhiên thanh bình với những vườn trái cây nặng trĩu quả và cánh đồng lúa mênh mông, những con sông chở nặng phù sa đầy tôm cá, văn hóa đặc sắc, người dân mộc mạc, hiền lành hiếu khách rất sẳn lòng trò chuyện chỉ dẫn đường đi và giúp đở tận tình nếu chúng ta gặp phải những khó khăn trong hành trình du lịch. Phần này tiếp theo phần bài trước khi khám phá chín cửa sông Cửu Long và chúng ta tiếp tục tìm hiểu đoạn đường từ Trần Đề đi đến tận cùng đất mũi Cà Mau.

    + Phần 02 - TRẦN ĐỀ (SÓC TRĂNG) – BẠC LIÊU – CÀ MAU – ĐẤT MŨI

    * Ngày 03:  TRẦN ĐỀ – BẠC LIÊU

    Sáng ngày thứ 3 chúng tôi xuất phát trể từ Trần Đề vì dưỡng sức sau ngày vất vả hôm trước. Mọi người nói đi thăm Công Tử Bạc Liêu thì trời lại bắt đầu mưa lất phất chắc có lẻ Ông Trời cũng buồn khi nhắc đến hậu duệ của gia đình Công Tử Bạc Liêu ngày nay. Chúng tôi đạp dọc theo đường Nam Sông Hậu quẹo sang đường 08 (khu 03 ấp giồng giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng). Đoạn đường tuy nhỏ nhưng đẹp qua các chùa như chùa Phú An, những chùa khmer mà tôi không biết tên… tiếp tục đi trên đường Lộ Sóc Giữa đến ngã ba quẹo phải hướng về Hương Lộ 08, rẻ trái ngang chùa Sóc Tía, chùa Hội Phước... để vào lại Nam Sông Hậu qua cầu Mỹ Thạnh 2 (sông Mỹ Thạnh) rẻ phải tiếp khi qua cầu hướng về thị xã Vĩnh Châu để đến Bạc Liêu. Điểm nổi bật đoạn đường này là dọc đường có rất nhiều vuông tôm. May mắn chúng tôi đi trúng vào mùa thu hoạch tôm cá nên có dịp nhìn thấy từng đoàn xe tải nhỏ thi nhau chở cá kèo và tôm lên Sài Gòn để bán.

    Vuông cá kèo

    Để ý mới biết ao nuôi cá kèo ở vùng này là nuôi tại các đầm dùng để nuôi tôm trước kia. Nông dân ở đây họ có thể nuôi cá kèo trong đầm nuôi tôm công nghiệp và đây là loại hình mới, bước đầu phát huy hiệu quả rất tích cực, nó giúp bà con tận dụng tốt tiềm năng đất đai, vừa có thu nhập cả hai vụ cá và tôm trên chính một đầm nuôi khá ổn định.

    Nghe người dân nơi đây nói là kỹ thuật nuôi cá kèo không khắt khe như nuôi tôm. Phần lớn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, chăm sóc ao cá cho thật sạch sẻ, thông thoáng cho ăn ngày 3 lần. Phải để ý thật đảm bảo cần thiết nhất là vừa đủ thức ăn cho cá, không thiếu cũng không thừa, nếu thiếu cá kém phát triển, nếu thừa cá ăn quá no sẽ dễ bị sình bụng và chết. Tuy nhiên nuôi cá kèo sướng hơn nuôi tôm vì tỷ lệ sinh lời đạt cao hơn nuôi tôm, rủi ro cá chết cũng ít hơn. Cái khó khăn ở việc nuôi cá kèo chính là tìm mua nguồn giống cá kèo con. Hiện nay chưa có nơi sản xuất và cung ứng cá giống nên phải tự đi thu gom từ nguồn giống thiên nhiên, do nhiều người dân đăng xúc ở các vùng đầm hồ ven biển. Nhiều lúc bí nguồn cung cấp cá con vì không tìm ra cá để nuôi nên phát sinh chi phí lúc đầu bỏ ra để nuôi cá kèo rất cao và dẫn đến việc không đủ vốn ban đầu để đầu tư cho vuông cá kèo.

    Vuông Tôm

    Vuông Tôm ở các vùng ven biễn Sóc Trăng thường nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú. Nghe nói nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 90 – 95%, hạn chế được bệnh dịch xâm nhập vào khu nuôi do hạn chế bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào, cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài, góp phần bảo vệ môi trường. Sóc Trăng là tỉnh còn có nhiều mô hình nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu vì không sử dụng kháng sinh hay chất kích thích sinh trưởng.

    Chất lượng con giống là khâu đầu tiên có vai trò đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm. Tôm giống đảm bảo chất lượng chỉ có từ các trại giống có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh góp phần cho việc nuôi tôm đạt năng suất cao sau mỗi lần thu hoạch.

    Tuy nhiên, cái khó trong việc nuôi tôm hiện nay là tình hình xâm nhập mặn hàng năm được dự báo sẽ diễn ra gay gắt do dòng sông Mekong bị chặn ở nhiều đoạn trên thượng nguồn làm thủy điện khiến cho nước từ nơi bắt nguồn ở đầu sông không đủ chảy về cửa biển và từ đó lương nước biển sẽ xâm nhập sâu vào trong vùng ven biển khiến cho tôm dễ bị chết do nguồn nước quá mặn không thích hợp với điều kiện sống của con tôm.

    Hành trình tiếp tục cho tới khi đến Nôl Phuôl, xã Vĩnh Tân, Thị Xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Chúng tôi được ăn những món ăn mà giờ ít thấy ở Sài Gòn như bánh tôm và đặc biệt là món bánh cống.

    Nghe nói tên gọi “bánh cống” ở Sóc Trăng này gắn liền với dụng cụ làm bánh là những cái cống dùng để chiên bánh có hình dáng giống như một cốc cà phê nhỏ, chỉ cao tầm 10cm. Cho hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào rồi phủ thêm một lớp bột nữa vào cống và hoàn thiện món ăn bằng cách xếp thêm một, hai con tôm lên mặt, người ta sẽ nhúng chiếc cống vào chảo đầy dầu đang sôi rồi để yên trong khoảng chừng 2-3 phút cho đến khi bánh chín và tự tuột dần ra khỏi cống. Sau khi vớt bánh ra và để ráo dầu là ăn được. Bánh cống ăn cùng nước mắm chua ngọt sẽ có mùi thơm nức mũi, phô bày hết độ giòn giòn ngay từ lớp vỏ ngoài của bánh.

    Bánh tép chiên giòn ở Vĩnh Châu theo mình cũng hơi giống bánh tôm Hồ Tây ở Hà Nội. Nguyên liệu cũng là hỗn hợp bội mì chiên giòn, (có khi có khoai lang), tép tươi nhúng vào dầu sôi sau đó vớt ra để ráo dầu, rồi ăn. Khi ăn phải ăn kèm rau sống và chén nước mắm pha là tuyệt.

    Nghe nói hủ tiếu cà ri ở Vĩnh Châu cũng là món cực ngon với sợi hủ tiếu được làm từ bột gạo, cọng nhỏ, mềm, có độ dai vừa phải do chính người dân Vĩnh Châu tự chế biến và sử dụng thịt vịt xiêm thay cho thịt heo hay thịt gà nghe thấy thèm vì chúng tôi không có cơ hội để thưởng thức món này tại Vĩnh Châu - Bạc Liêu.

    Sau khi ăn vặt các món bánh trên chúng tôi tiếp tục lên đường dọc theo đường 31, quẹo về Vĩnh Trạch Đông hướng về nhà máy điện gió Bạc Liêu.

    Nhà máy điện gió Bạc Liêu nghe nói được xem là công trình điện gió lớn nhất cả nước và cũng là cánh đồng điện gió đầu tiên của Đông Nam Á được xây dựng trên thềm lục địa với quy mô khoảng 113 trụ turbine gió bên bờ biển sau khi xây dựng xong công trình này. Mỗi turbine có công suất xấp xỉ 1,6 MW do hãng General Electrics (GE) cung cấp, có cấu tạo thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m và nặng trên 200 tấn. Cánh quạt lắp tại các trụ điện gió được làm bằng nhựa đặc biệt, dài 42 m, có hệ thống điều khiển tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn.

    Đến nơi chúng tôi chạy dọc theo con đường trong khu rừng phòng hộ xanh mát, trong lành và tranh thủ chụp hình những cây điện gió cũng như ghé uống café võng bình dân ở quán "Café Điện Gió" nhưng hôm nay quán nghĩ bán. Chúng tôi tiếp tục lên đường đi về Bạc Liêu.

    Dọc đường dừng lại thăm chùa Xiêm Cán là ngôi chùa Khmer cổ xưa, nghe nói bắt đầu xây dựng vào ngày 7 tháng 5 dương lịch năm 1887. Ngay từ đằng xa, hình ảnh chùa đã hiện ra trong mắt bạn với màu vàng nổi bật. Bao quanh chùa là một hàng rào xây kiên cố, với nhiều hoa văn ấn tượng. Khi bước vào chùa chúng tôi thấy các chú tiểu đang quét lá dọc đường đi. Chùa Xiêm Cán nằm xã Vĩnh Thạnh Đông gần gần với nhà máy Điện Gió nơi chúng tôi vừa đi qua.

    Chùa Xiêm Cán có tên tiếng Khmer Komphisako, tức là biển sâu, ý nghĩa là sự sâu xa, sự uyên bác của trí tuệ nhà phật. Ngoài tên gọi Komphisako, chùa còn có tên theo địa danh là Komphirsakor Prét Chru. Prét có nghĩa là “sông”, còn Chru có nghĩa là “sâu”, ghép lại là “sông sâu"

    Từ đây, bạn rẻ phải vào đường 31 và chạy thẳng là đến bánh xèo A Mật đường Giồng Nhãn nơi chúng tôi ăn bánh xèo tạm gọi là ăn trưa vì lúc này đã quá trễ. Sau khi ăn bánh xèo xong, chúng tôi tiếp tục lên đường vào Bạc Liêu để nghĩ qua đêm tại khách sạn Như Toàn Bạc Liêu.

    Đêm ở Bạc Liêu không như chúng tôi tưởng vì mọi người ra phố rất đông mặc dù hôm nay không phải ngày cuối tuần. Cả thành phố bừng sáng trong ánh đèn đủ màu như khoác lên mình chiếc áo mới. Chúng tôi cũng hòa mình vào dòng người đi ăn đêm tại quán Ốc. Quán Ốc là một quán bình dân nhưng gần như không còn chỗ. Chúng tôi có hỏi tại sao đặt tên là Quán Ốc thì được trả lời là do trước đây quán này chỉ bán ốc nhưng bây giờ là bán đủ thứ món ăn. Những bạn trẻ xứ Công tử Bạc Liêu đến đây khá đông. Đa số là các bạn teen ăn uống tán gẫu với nhau theo từng nhóm, các cặp đôi nhâm nhi tâm sự hay nạp năng lượng sau khi xả.. muốn hết khi đêm đến và phần còn lại là các gia đình với các con của họ và những người khách đến từ phương xa như chúng tôi.

    * Ngày 04:  BẠC LIÊU - CÀ MAU

    Buổi sáng điểm đầu tiên ghé thăm là nhà Công Tử Bạc Liêu. Chúng tôi chụp hình và tìm hiểu một ít tư liệu về chàng Công Tử này.

    Công tử Bạc Liêu (tên thật là Trần Trinh Huy hay còn gọi là Ba Huy hoặc Ông Hội Đồng Ba) nhà ở số 13, Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây, được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1919 thì hoàn thành. Đến nay, công trình tròn 100 năm tuổi nhưng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

    Dinh thự do ông Trần Trinh Trạch, tức Hội đồng Trạch, cha Công tử Bạc Liêu xây khi công tử mới 19 tuổi. Ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Khi đó toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai, Trần Trinh Huy ăn chơi khét tiếng và mê gái nổi tiếng với nickname “Hắc Công Tử”. Được biết, tổng số tài sản mà công tử Bạc Liêu được thừa hưởng và “tiêu hao” vào ăn chơi xa xỉ ước tính lên tới trên 5 tấn vàng.

    Theo các giai thoại thì Công tử Bạc Liêu, là người Việt Nam sở hữu riêng máy bay đầu tiên cả nước. Ông thường đi thăm ruộng cò bay thẳng cánh của gia đình mình bằng máy bay riêng của mình. Có lần hứng chí bay ra biển Hà Tiên hóng mát, để rồi lạc sang tận nước Xiêm (Thái Lan), phải đáp khẩn cấp vì máy bay hết xăng. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm tạm giữ và phạt về tội xâm nhập lãnh thổ trái phép số tiền tương đương 200 ngàn giạ lúa.

    Công tử Bạc Liêu cũng là người tổ chức và tài trợ cho các cuộc thi đấu xảo sắc đẹp (tiền thân các cuộc thi sắc đẹp sau này) đầu tiên tại Nam kỳ… Là người Bạc Liêu, sở hữu nhiều đất đai, sở muối (đất làm muối), khai thác than, phố lầu cho thuê nhiều nhất nên rất giàu có. Điển hình nổi tiếng nhất không ở đâu trên thế giới này có là chuyện đối đầu giữa hai công tử với nhau như với Bạch công tử Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng ở Mỹ Tho. Cả hai đốt tiền nấu một kg chè đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu tiền nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng.

    Chia tay với những giai thoại huyền bí về Công tử Bạc Liêu chúng tôi ghé quán café trung tâm để ăn sáng và uống café. Tôi có thử món bánh Tầm Bì nổi tiếng ở miền Tây nhưng cũng không hài lòng lắm so với mong đợi của tôi về món ăn này. Sau khi cafe nạp năng lượng xong, chúng tôi thẳng tiến về hướng Nhà Mát trên đường Cao Văn Lầu để queo phải sang đường Đê Biển đến viếng thăm điểm kế tiếp là khu đền thờ Mẹ Nam Hải.

    Mẹ Nam Hải hay Quán Âm Phật Bà, Quan Âm Nam Hải là một vị Quan Thế Âm Bồ Tát nổi tiếng là rất linh thiêng tại chùa Quan Âm Phật Đài ở Bạc Liêu. Chuyện ngày xưa thường những người đi biển hay thờ những vị thần bảo vệ họ khi gặp sự cố ngoài biển cũng như phù hộ cho họ đánh bắt xa bờ an toàn, trời yên biển lặng và tôm cá đầy khoang giúp cho cuộc sống dân chài sung túc, ấm no.

    Thuở ban đầu, chùa chỉ là một căn nhà lá đơn sơ ven biển để thờ phụng Quán Thế Âm Bồ Tát. Năm 1973, ngôi chùa đã được xây dựng khang trang hơn bởi Hòa thượng Thích Trí Đức vi nhận ra sự linh thiêng ở ngôi chùa này và ngài cho xây dựng tượng Phật Bà Nam Hải. Tượng Phật mẹ Quan Âm Nam Hải có chiều cao khoảng 11m (chưa tính phần bệ tượng) mặt luôn hướng về hướng Đông. Tượng Mẹ Nam Hải được xây trong 2 năm và hoàn thành vào năm 1975. Lúc mới xây dựng, tượng được đặt sát mé biển; mỗi lúc thủy triều lên, nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua nhiều năm, do sự bồi đắp của tự nhiên mà vị trí của tượng đài đã cách biển vài cây số. Ngoài tượng Phật đài Mẹ Nam Hải nằm ở chính giữa khu di tích, phía bên trái còn có điện Quán Âm và núi Quán Âm. Phía bên phải tượng Phật Bà, đối diện với điện Quán Âm là điện Địa Tạng tạo thành quần thể linh thiêng ở khu vực này.

    Sau khi váy lạy Mẹ Nam Hải đã phù hộ cho chúng tôi có những ngày đạp xe an toàn, mọi người tiếp tục đạp chừng 25 Km nữa đến với Gành Hào.

    Nghe nói đến Gành Hào ai cũng nghỉ đến bài hát "Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang" của cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Nghe nói Ông viết bài này trong dịp trở về thăm lại Bạc Liêu, nơi ông từng sinh sống thời gian dài. Đêm đến ngồi nhâm nhi dưới ánh trăng sáng nghe tiếng radio vọng lại bản "Dạ cổ hoài lang" nên lấy ý tưởng sáng tác liền bài hát này. Không ai trong chúng tôi nghỉ đến gió, biển, phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây mà chỉ văng vảng trong đầu...

    "Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
    Đêm luống trông tin bạn, ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
    Vọng phu vọng, luống trông tin chàng.

    Lời ai ca, dưới ánh trăng nay. Rừng đước mênh mông đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai.
    Ngày ấy ra đi, con sông buồn tím một dòng trôi".

    Nhưng cắt ngang với những dòng nhạc thơ mộng, trử tình da diết chất quê hương của bài hát trong đầu chúng tôi là một đoạn đường cực kỳ xấu tệ với sình lầy, đầy ổ gà và vô vàn ổ voi. Đây là đoạn đường đau khổ nhất trong mấy ngày nay mà chúng tôi buộc phải vượt qua. Đi được một đoạn chúng tôi ghé uống nước mía giải lao tại cống Cái Cùng (còn 23 Km mới đến Gành Hào) nơi có thể quan sát cửa biển Cái Cùng và cũng nằm trên đường Đê Biển tiếp tục thử sức chịu đựng vượt qua đoạn đường khó khăn.

    Chắc là để có được niềm vui và hạnh phúc chúng ta phải vượt qua vô vàn nổi khổ mới có được sự sung sướng. Đạp từ từ chậm chạp vượt sình lầy và nếm trải trơn trượt khi vượt ổ voi khiến cả đoàn chúng tôi từ xe đến đầu cổ toàn là sình và sình với đất nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được Gành Hào.

    "Gành Hào ơi, Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang. Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm. Xề u xế u liu phạn.... xề u xế u liu phạn..."

    Đến nơi chúng tôi dừng tham quan và hạnh phúc chụp hình khoe mọi người vì đã đến được khu ra đời bài hát Gành Hào da diết giai điệu quê hương. Ăn trưa thôi, vì đã hơn 14h. Thật là may mắn chúng tôi ghé vào được một quán thật đẹp ven biển. Ở đây người phục vụ và bà chủ rất hiếu khách. Thấy chúng tôi người đầy sình, họ mở vòi nước cho chúng tôi rửa xe, xịt nước trôi bớt cát đất trên xe đạp và trên người cùng sình bùn ở tay chân rồi còn cho mượn mấy miếng vải mềm dùng lau cho xe sạch thêm trong lúc đầu bếp nấu cho chúng tôi những tô mỳ cay thơm phức và pha những ly café sữa đá ngọt ngào giúp hồi phục lại sức khỏe sau đoạn đường đau khổ vừa mới đi qua.

    Chúng tôi có yêu cầu phục vụ quán mở lại bài hát "Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang" do ca sĩ Cẩm Ly hát trước lúc tiếp tục cuộc du ngoạn về Cà Mau. Mọi người ở đây rất vui vẻ trêu đùa với chúng tôi như những người bạn thân lâu năm nay mới gặp. Tạm biệt quán với những kỷ niệm vui, tiếp tục đi về hướng bến phà An Phúc (tên mới phà Vàm Xáng sang bờ bên kia là ấp Phước Thắng A, sông Gành Hào) qua ấp Cái Keo, cầu Cái Keo, Định Thành... hướng về Cà Mau. Khi gần đến Cà Mau chúng tôi quyết định ra lại quốc lộ 01 đoạn qua cầu Định Thành rẻ trái khoảng 18km đến Cà Mau (đi ngang sân bay Cà Mau) vì trời đã bắt đầu tối. Đến Cà Mau lúc 19h00 chúng tôi check in khách sạn Ken và ra ngoài ăn tối.

    Đêm Cà Mau ít nhộn nhịp hơn ở Bạc Liêu và lần đầu tiên chúng tôi ghé vào quán ăn có người phục vụ hơi ba trợn so với các tất cả các quán trước rất hiếu khách kể từ đầu chuyến đi đến giờ. Thôi kệ vì cuối cùng chúng tôi cũng xong một ngày an toàn và bình yên nữa để tiếp tục hành trình về Đất Mũi Cà Mau.

    * Ngày 05:  CÀ MAU - ĐẤT MŨI

    Buổi sáng chúng tôi tranh thủ chăm sóc chiếc xe đạp một chút và châm thêm dầu vào sên líp dĩa để xe chạy được nhẹ hơn. Vừa khởi hành lên đường chúng tôi chợt phát hiện nơi bán đặc sản Cà Mau đó là bánh mì chả cá. Chả cá Cà mau rất nổi tiếng vì nó được làm từ cá măng là một loài hải sản ngon có tiếng tại Cà Mau chỉ sống trong môi trường nước lợ nơi cửa sông giáp biển nên chúng có vị ngọt thơm đặc trưng của loài cá sông. Thức ăn chính của loài cá này là rong rêu, tảo nên thịt rất lành. Sau khi mua bánh mì chả cá măng chúng tôi tìm đến quán Café Ban Mai rất đẹp và cà phê ở đây được pha máy rất tuyệt vời.

    Gặm xong ổ bánh mì cùng ly cà phê sữa đá ngọt ngào xem như chúng tôi đã nạp đủ năng lượng cho ngày hôm nay để tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi tiếp tục đạp trên đường Huỳnh Thúc Kháng hướng về phía Đầm Dơi, khí đến Đầm Dơi tiếp tục vào đường Cái Nước đi một đoạn rẻ trái vào Cóng Trào, Trần Phan (dọc sông Bảy Hạp) qua Phà Cây Dương, cầu Năm Căn về hướng Thị Trấn Năm Căn. Dọc đường chúng tôi mua bánh chuối chiên và ghé quán nước mía ven đường khi đến Năm Căn. Sau đó tiếp tục đạp xe đến đất mũi thì nhìn thấy đoạn đường đi có cảnh rất quen thuộc với hai bên là rừng đước xanh rờn. Chúng tôi tiếp tục chạy xuyên đêm qua Năm Căn để đến được đất mũi lúc đó hơn 19h00.

    Đến nơi mọi thứ đã sẳn sàng cho bữa ăn tối. Tôm và Cua trong màu đỏ chói và bạch tuột xào thiệt là hấp dẫn. Chúng tôi vừa ăn, vừa uống bia, vừa hát Karaoke. Khách sạn nơi chúng tôi nghỉ nằm sâu trong khu vực biên giới biển. Lưu ý "khu vực biên giới biển" đối với người Việt Nam khi đến khu vực này cần phải mang theo CMND, còn người nước ngoài là phải có hộ chiếu (passport) còn hạn và người nước ngoài phải trình báo xin phép chính quyền địa phương trước khi vào ngủ qua đêm trong khu vực này.

    Ngày 06:  ĐẤT MŨI – SÀI GÒN

    Sau khi ăn sáng tại khách sạn chúng tôi vào thăm khu du lịch "Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau". Qui định ở đây là xe đạp không được vào mà phải gửi bên ngoài và trả phí giử xe đạp, phí sử dụng xe điện, phí tham quan. Cả đoàn cụt hứng vì không thể chụp hình cùng xe đạp của mình. Tôi liền vào BQL để xin phép được mang xe đạp vào vì chúng tôi đạp từ xa đến Đất Mũi chỉ muốn chụp hình tại mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0), là một trong bốn điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam trên đất liền. Điểm cực Bắc là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là Mũi Đôi (Vạn Ninh, Khánh Hòa) và cực Nam chính là cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001.

    Cuối cùng BQL cũng đồng ý cho chúng tôi vào và không thu một đồng tiền nào ngoài phí tham quan 30’000 VND / người. Ngoài mốc tọa độ quốc gia còn có những nơi tham quan như tượng đài Cua Cà Mau và thuyền buồm bằng xi măng nơi tận cùng của Việt Nam tọa độ số 8’37’30” vỉ độ Bắc, đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ Âu Cơ, Cột cờ Hà Nội tại Cà Mau, Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh tại Cà Mau. Điểm thú vị nhất là chúng tôi được đạp xe xung quanh những con đường mới làm xong để nhìn ngắm khung cảnh bạt ngàn cây đước trong màu xanh tuyệt đẹp của khu rừng ngập mặn ven biển nơi cuối cùng ở bản đồ Việt Nam.

    Chúng tôi trở về Sài Gòn với những ấn tượng đẹp về mảnh đất miền Tây trù phú hoang sơ, với những con người bình dị, mộc mạc chân chất sẳn lòng giúp đở rất nhiệt tình những người khách phương xa khi gặp khó khăn. Thật là một chuyến đi tuy đạp xe mệt vất vả nhưng rất thú vị từ lúc tìm hiểu khám phá 9 của sông Cửu Long đến Bạc Liêu và tận cùng mũi Cà Mau... đâu đâu cũng để lại ấn tượng khó phai khi đặt chân đến những vùng đất chín rồng này. Cám ơn người dân miền Tây sông nước, chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại với các bạn.

    Bài viết này phản ánh những thông tin thực tế trong chuyến đi và các câu chuyện lượm lặt được từ người địa phương. Cám ơn sự hổ trợ thông tin đi dường và hình ảnh của các bikers đi cùng như Mr. Việt (leader chính, người vẽ cung đường đạp), Mr. Sơn, Mr. Thọ, Mr. Sang và Mr. Chris. 

    PHONG TRẦN

      TOUR LIÊN QUAN

    x

    Tư vấn tour Miễn Phí

    Cám ơn các bạn đã quan tâm đến tour du lịch của chúng tôi !

    Hãy điền thông tin cá nhân của bạn vào đây chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất để hoàn tất thủ tục cho chuyến đi này

    
    TOP

    0898 51 52 53